PageTitle - Tin tức & Sự kiện

Tin tức & Sự kiện

Tổng hợp các tin tức & sự kiện mới nhất, các giải pháp nhằm thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng phần mềm mã nguồn mở trong lĩnh vực Chính phủ điện tử.

Asset Publisher

Back Làn sóng doanh nghiệp công nghệ nước ngoài mở rộng đầu tư tại Việt Nam

Nhiều tập đoàn công nghệ trên thế giới có xu hướng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang các nước khác trong đó có Việt Nam.

Việc mở rộng nhà máy sản xuất tại Việt Nam sẽ giúp hỗ trợ tăng trưởng lâu dài trong ngành công nghiệp điện tử toàn cầu
Việc mở rộng nhà máy sản xuất tại Việt Nam sẽ giúp hỗ trợ tăng trưởng lâu dài trong ngành công nghiệp điện tử toàn cầu.

Xu hướng dịch chuyển nhà máy sang Việt Nam

Molex, doanh nghiệp hàng đầu thế giới về linh kiện điện tử và thiết bị kết nối, công bố kế hoạch mở rộng nhà máy sản xuất hiện tại ở Hà Nội với tổng diện tích khu vực sản xuất lên đến 16.000 m2.

Kế hoạch mở rộng nhà máy của Molex được kỳ vọng sẽ tạo thêm ít nhất 200 việc làm mới trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao. Molex lần đầu tiên thành lập nhà máy tại Việt Nam vào năm 2007. Việc mở rộng lần này nhằm giúp Molex đáp ứng nhu cầu ngày một tăng cao cho các sản phẩm của công ty được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như smartphone, TV, đồ gia dụng, thiết bị y tế và thiết bị xét nghiệm. 

Ông Joe Nelligan, Tổng Giám đốc điều hành của Molex cho biết: “Molex đã hoạt động tại Việt Nam hơn 15 năm. Việc mở rộng nhà máy sản xuất ở Hà Nội sẽ thúc đẩy kế hoạch phát triển của chúng tôi về quy mô và khả năng sản xuất tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương với định hướng phát triển cùng các khách hàng và mang lại nhiều cơ hội việc làm cho lao động tay nghề cao”.  

Nhà máy sản xuất thiết bị kết nối với quy trình tích hợp hoàn chỉnh của Molex sẽ được trang bị các loại máy móc hiện đại như robot tự động, máy đúc nhựa tốc độ cao, máy dập, máy mạ và máy lắp ráp tự động cùng phòng gia công cơ khí và phòng thí nghiệm đánh giá chất lượng . 

Hiện Molex đã có mặt ở hơn 40 quốc gia và góp phần thúc đẩy chuyển đổi công nghệ trong đa lĩnh vực như khoa học dữ liệu, tự động hóa công nghiệp, y tế, nền tảng mạng di động 5G, điện toán đám mây, thiết bị điện tử tiêu dùng. 

Chia sẻ với VietnamNet mới đây, ông Vanti Fan Giám đốc công ty Delta Electronic cho hay: Việt Nam đang là nơi thu hút đầu tư của nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore... Đây là một điểm sẽ tác động nhiều tới thị trường cho ngành tự động hóa. Việt Nam ngày càng có thêm lực lượng lao động được đào tạo tốt và kỹ năng chuyên sâu; đồng thời đang xây dựng chiến lược cho xu hướng phát triển ngành công nghiệp 4.0 và tham gia nhiều tổ chức thương mại tự do như Hiệp định tự do thương mại với khu vực Châu Âu, hay gần đây nhất là Hiệp định thương mại về RCEP. Ông Vanti Fan khẳng định Việt Nam là thị trường chiến lược của công ty.

Delta đặt mục tiêu đến năm 2027 sẽ trở thành một trong những đơn vị cung cấp giải pháp thành công, tin cậy và nằm trong top 5 hãng cung cấp giải pháp tự động hóa ở thị trường Việt Nam.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Shi-Chi Ho Tổng giám đốc công ty Techman Robot nhấn mạnh, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP rất cao, dự báo đạt tới 7,5%. Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới có xu hướng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang các nước khác trong đó có Việt Nam.

“Xu hướng sử dụng robot trong nhà máy tăng nhanh, mức độ tăng trưởng bình quân hàng năm của robot công nghiệp là 6%. Đến nay, gần như các tập đoàn, nhà máy trên thế giới đều sử dụng robot công nghiệp. Trong đó, Châu Á là khu vực có tỷ lệ sử dụng robot đứng đầu toàn cầu là 54%, đứng thứ 2 là Châu Mỹ và Châu Âu. Theo biểu đồ của chúng tôi, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan là những nước và vùng lãnh thổ sử dụng robot nhiều nhất. Đây cũng là 4 nhóm quốc gia và vùng lãnh thổ có tốc độ đầu tư, phát triển ở Việt Nam rất mạnh”, ông Shi-Chi Ho nói.

Thị trường Việt Nam hấp dẫn bởi yếu tố gì?

Mới đây, TMX -  công ty tư vấn chuyển đổi kinh doanh ở châu Á Thái Bình Dương, đưa ra báo cáo cung cấp thông tin chuyên sâu về chi phí kinh doanh trung bình ở châu Á. Báo cáo tập trung đánh giá khả năng cạnh tranh trong cuộc đua để trở thành địa điểm sản xuất tiềm năng nhất của 9 quốc gia bao gồm: Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Việc này nhằm giúp các doanh nghiệp đưa ra được quyết định xây dựng một cơ sở sản xuất mới ở địa điểm nào tại thị trường châu Á là tối ưu nhất.

Báo cáo nhận định Việt Nam là một trong những thị trường có chi phí vận hành bình quân thấp nhất trong khu vực, chỉ cao hơn Campuchia và Myanmar. Tổng chi phí vận hành trung bình của Việt Nam dao động từ 79.280 USD đến 209.087 USD mỗi tháng.

Việt Nam đứng thứ 5 về số điểm cạnh tranh so với những quốc gia khác xét về các lĩnh vực môi trường kinh doanh, nhân tài, hậu cần và số hóa, xếp sau Singapore, Malaysia, Ấn Độ và Thái Lan.

 

Nguyễn Thái