PageTitle - Tin tức & Sự kiện

Tin tức & Sự kiện

Tổng hợp các tin tức & sự kiện mới nhất, các giải pháp nhằm thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng phần mềm mã nguồn mở trong lĩnh vực Chính phủ điện tử.

Publicador de continguts

Vés enrere Những khó khăn trên con đường chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam

Chuyển đổi số đang được các doanh nghiệp của Việt Nam hướng tới như một chiến lược chính để cải tổ, định hình hoạt động trong thời đại mới. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp đều đang chật vật tìm đường chuyển đổi số phù hợp. Vậy những khó khăn trên con đường chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt là gì? và đâu là những giải pháp tối ưu trong ngắn cũng như dài hạn?

Thực trạng và khó khăn trong chuyển đổi số tại doanh nghiệp

Theo báo cáo của Cục Đăng ký kinh doanh, tính đến cuối năm 2021, cả nước có khoảng 870 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động; hơn 26.000 hợp tác xã với tổng số 6,8 triệu thành viên, 2,5 triệu lao động và hơn 5,1 triệu hộ kinh doanh. Quy mô các cơ sở sản xuất kinh doanh ở Việt Nam chủ yếu là vừa và nhỏ (chiếm trên 94%), còn lại là các doanh nghiệp quy mô lớn. Những năm gần đây nền kinh tế Việt Nam trở nên sôi động, đặc biệt là khối kinh tế tư nhân, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hoạt động chuyển đổi số trên thực tế đã diễn ra như một nhu cầu tự nhiên của rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh nhằm đáp ứng hành vi tiêu dùng đang thay đổi của khách hàng.

Những khó khăn trên con đường chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam
Việt Nam là một môi trường thuận lợi cho chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Hiện nay, phần lớn các cơ sở sản xuất kinh doanh đã ứng dụng các phần mềm, giải pháp vào hoạt động quản lý bán hàng, bán hàng trực tuyến, đa kênh, tiếp thị, quản lý quan hệ khách hàng, quản trị kênh phân phối, cụ thể: cả nước có khoảng 100.000 cửa hàng đang sử dụng phần mềm Kiot Việt cho hoạt động quản lý bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ và bán hàng đa kênh; con số này tương tự đối với các phần mềm Sapo, Haravan, Nhanh. Nhiều doanh nghiệp đang trực tiếp kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử như Sendo, Tiki, Lazada, Shopee…; trên 200.000 cơ sở sản xuất kinh doanh đang sử dụng các phần mềm hóa đơn điện tử của nhiều nhà cung cấp khác nhau như E-invoice, Ihoadon hay Misa Meinvoice; hầu hết doanh nghiệp đều trang bị và sử dụng chữ ký số; hơn 60% các doanh nghiệp trên cả nước đang sử dụng phần mềm kế toán (Bravo, 3Tsoft, Misa) giúp tiết kiệm nhân lực, chi phí và tăng cường tính chuyên nghiệp của đội ngũ nhân viên; góp phần gia tăng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp đối với khách hàng và nhà đầu tư.

Thực trạng và khó khăn trong chuyển đổi số tại doanh nghiệp
Các lĩnh vực trọng tâm chuyển đổi số trong doanh nghiệp hiện nay.

Bên cạnh các hoạt động chuyển đổi mô hình bán hàng, tiếp thị, quản trị và vận hành, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh nhận thấy chuyển đổi số là một cơ hội để sáng tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới, hướng tới thay đổi bản chất doanh nghiệp. Điều này đang góp phần tạo ra các doanh nghiệp y tế số, giáo dục số, nông nghiệp số, logistic, giao nhận, thương mại, xuất nhập khẩu, nhà hàng, khách sạn, du lịch... hoạt động theo những phương thức mới, dựa trên việc kết nối các hệ thống công nghệ, dữ liệu và xử lý thông tin tự động. Tuy nhiên, đối với không ít doanh nghiệp, hoạt động chuyển đổi số vẫn còn nhiều thách thức cần được giải quyết, cụ thể là các vấn đề sau:

Trở ngại về nhận thức, năng lực của doanh nghiệp: phần lớn các cơ sở sản xuất kinh doanh chưa có nhiều kinh nghiệm về ứng dụng, khai thác công nghệ. Việc có thể hiểu, hình dung và nhận thức được các thay đổi đang diễn ra sẽ ảnh hưởng như thế nào tới hoạt động của doanh nghiệp là điều không dễ dàng. Do đó, quyết định thực hiện chuyển đổi số hay không sẽ cần thời gian. Ngoài ra, khi nhận thức được về vai trò, ý nghĩa thì chuyển đổi số thành công vẫn là một thách thức không nhỏ. Sự hạn chế của doanh nghiệp xuất phát từ việc không chắc chắn về lợi nhuận đầu tư công nghệ, năng lực sử dụng công nghệ trong nội bộ còn yếu, tài chính hạn hẹp và những vướng mắc về pháp lý. Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới, có trên 75% doanh nghiệp nhỏ và vừa và 63% doanh nghiệp lớn của Việt Nam hiện chưa rõ lợi nhuận đầu tư công nghệ bằng bao nhiêu, cũng như việc đầu tư đó có phù hợp với nhu cầu của họ hay không. Chưa đến 60% doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết, họ thiếu thông tin về những công nghệ hiện có, thiếu kỹ năng để sử dụng công nghệ. Các doanh nghiệp này cũng cho biết việc tiếp cận nguồn tài chính nước ngoài còn hạn chế [1].

Điển hình như các sàn thương mại điện tử ở Việt Nam dựa trên nền tảng số được phát triển trong nước (Sendo, Tiki) có khả năng cạnh tranh thấp so với các đối thủ trong khu vực Đông Nam Á (Lazada, Shopee), do không tiếp cận được nguồn đầu tư từ nước ngoài. Đồng thời, các doanh nghiệp số của Việt Nam còn ít (khoảng 250 doanh nghiệp) so với các quốc gia khác trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, như Malaysia (450 doanh nghiệp) hoặc Indonesia (530 doanh nghiệp).

Hạn chế về thị trường và các giải pháp chuyển đổi số: hiện nay, Việt Nam vẫn chưa hình thành các cơ quan, tổ chức đóng vai trò như một kênh độc lập để đánh giá khách quan ưu, nhược điểm của các giải pháp công nghệ, qua đó giúp doanh nghiệp có đủ thông tin để đưa ra lựa chọn phù hợp. Đồng thời, đây cũng là những thông tin hữu ích, minh bạch, phân tích cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trong quá trình chuyển đổi số thấy được các khía cạnh (tính sẵn sàng, hiệu quả của giải pháp kinh doanh số, phân tích các công nghệ số, rủi ro, kinh phí đầu tư...) để có giải pháp tự hoàn thiện mình.

Hạn chế về nguồn lực tài chính cho chuyển đổi số: các dự án chuyển đổi số có thể tốn rất nhiều kinh phí đầu tư, trong khi năng lực tài chính của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khá hạn chế. Theo khảo sát từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2020, có đến 55,6% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng chi phí ứng dụng công nghệ là hạn chế lớn nhất. Chi phí thay đổi quy trình, đào tạo nhân sự để thích ứng với quy trình mới; chi phí đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin như việc phải triển khai một số hệ thống công nghệ thông tin sẽ dẫn tới việc tăng đầu tư và các chi phí vận hành hệ thống.

Khung thể chế phục vụ chuyển đổi số ở Việt Nam còn cồng kềnh: mặc dù Chính phủ đã tăng cường Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số theo Quyết định số 1619/QĐ-TTg ngày 24/9/2021, các Ủy ban tương tự cũng được thành lập ở cấp tỉnh, trong đó Chủ tịch UBND tỉnh là người đứng đầu Ủy ban. Tuy nhiên, ở khâu vận hành, các nhiệm vụ lớn trong chương trình chuyển đổi bị dàn trải, khiến cho công tác phối hợp và triển khai chính sách gặp nhiều thách thức. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của Chính phủ còn hạn chế đối với các doanh nghiệp số hoặc doanh nghiệp đang muốn đầu tư vào các công cụ số. Hỗ trợ từ khu vực công vẫn chỉ tập trung cho hoạt động nghiên cứu và phát triển thay vì cho nâng cấp công nghệ và thương mại hóa công nghệ [1].

Thiếu hệ sinh thái thuận lợi thúc đẩy các cơ sở sản xuất kinh doanh chuyển đổi số: môi trường kinh tế số tại Việt Nam còn khá khiêm tốn, ngoài chỉ số mật độ thuê bao internet băng rộng, các chỉ số khác còn rất hạn chế, cụ thể: chưa có các định hướng công nghệ trọng tâm, mang tính thương hiệu của Việt Nam thông qua các dự án nghiên cứu và đầu tư lớn; doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam hiện có mức đầu tư thấp vào phát triển khoa học và công nghệ để đổi mới so với các doanh nghiệp quốc tế. Ngành công nghiệp công nghệ thông tin và điện tử viễn thông có tỷ lệ nội địa chỉ đạt 15%. So sánh với các nước, tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam năm 2017 là 33,2%, năm 2018 là 36,3% (trong khi Trung Quốc là 68%, Thái Lan là 57%) [2].

Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong giai đoạn mới

Việt Nam vẫn còn đi sau thế giới về mặt công nghệ, cũng như chưa làm chủ được các công nghệ lõi của chuyển đổi số, các hệ thống nền tảng cơ bản. Để các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số thành công, Việt Nam cần xây dựng các giải pháp ngắn hạn kết hợp song song với dài hạn, cụ thể là:

Nâng cao kỹ năng số tại doanh nghiệp: người lao động cần có kỹ năng phù hợp để tận dụng thế mạnh của công nghệ số, việc phân bố kỹ năng không đồng đều có thể gia tăng bất bình đẳng. Tỷ lệ người lao động có trình độ trong lực lượng lao động của Việt Nam hiện còn thấp và số lượng sinh viên tham gia các chương trình đào tạo sau đại học chưa đủ để khỏa lấp chỗ trống. Với tốc độ thay đổi nhanh chóng và sự bất ổn định về yêu cầu của việc làm trong tương lai, Việt Nam có thể cân nhắc 5 phương án bổ trợ như sau: (i) Bồi dưỡng nhân tài trẻ về công nghệ số thông qua chương trình học bổng quy mô lớn để chuẩn bị cho sinh viên sẵn sàng trước thời đại số; (ii) Xây dựng các chương trình chuyển đổi số quốc gia kết hợp phát triển kỹ năng liên quan đến kinh tế số với tài trợ và cố vấn của các doanh nhân số; (iii) Thúc đẩy việc đưa công nghệ vào giáo dục từ các giai đoạn đầu; (iv) Thu hút nhân tài từ những kiều bào đang tham gia các lĩnh vực số trên thế giới; (v) Khuyến khích phát triển kỹ năng mềm cho người lao động, như kỹ năng tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, truyền thông, làm việc nhóm, sáng tạo, và quản lý...

Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong giai đoạn mới
Mô hình các giai đoạn chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Bồi dưỡng năng lực đổi mới sáng tạo: duy trì năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo liên tục là điều kiện bắt buộc đối với các doanh nghiệp. Hiện nay, hầu hết sự hỗ trợ của Chính phủ đều hướng vào các nỗ lực nghiên cứu và phát triển, thay vì tạo điều kiện thuận lợi cho lan tỏa, áp dụng và thích ứng công nghệ mới của các doanh nghiệp. Để tái cân bằng chính sách trên, Chính phủ có thể áp dụng các phương án: (i) Hạ thấp rào cản gia nhập, đặc biệt là đối với các công ty có năng lực công nghệ cao; (ii) Cải thiện chính sách cạnh tranh và việc triển khai thực hiện chính sách; (iii) Khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ khởi nghiệp trong ngành công nghệ số. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tạo điều kiện để doanh nghiệp được tiếp cận nguồn tài chính, thông tin nhằm phát triển kỹ năng công nghệ số một cách tối ưu nhất.

Hỗ trợ ứng dụng giải pháp công nghệ chuyển đổi số cho doanh nghiệp: Việt Nam cần xây dựng các gói hỗ trợ, bao gồm các chỉ dẫn giải pháp công nghệ cho các cơ sở sản xuất kinh doanh. Đơn vị tham gia được hỗ trợ tối đa 50% chi phí ứng dụng các giải pháp trên nền tảng số để tự động hóa, nâng cao hiệu quả quy trình: kinh doanh, quản trị, sản xuất, công nghệ trong doanh nghiệp và chuyển đổi mô hình kinh doanh; xây dựng các gói hỗ trợ theo các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên như sản xuất, chế biến/chế tạo, nông nghiệp, giao thông vận tải, logistic, du lịch.

Có thể nói, với tinh thần đổi mới của các doanh nghiệp hiện nay, việc số hóa toàn diện là yêu cầu không thể thiếu, đặc biệt là với chủ trương chuyển đổi số của Chính phủ trong những năm gần đây. Do đó, các doanh nghiệp cần phải có sự chuẩn bị về tinh thần và tài chính, tạo nền móng vững chắc cho quá trình chuyển đổi số. Các nhà lãnh đạo, quản lý cần nâng cao chuyên môn về chuyển đổi số để đưa ra các quyết định hỗ trợ phù hợp và đầu tư đúng đắn cho doanh nghiệp.